Rước kiệu trong lễ hội Đền Hùng là một nghi lễ không thể thiếu của lễ hội. Trong lễ hội Đền Hùng có nhiều đoàn rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng nhưng đặc biệt nhất là đoàn rước kiệu xã Hùng Lô.
Theo những dấu ấn, phong cách nghệ thuật kiến trúc và những văn tự được khắc ghi cho thấy, quần thể Đình Xốm, xã Hùng Lô gồm có: Miếu, đình, nhà Văn chỉ, Bệ thờ Thần Nông, chùa và nhà Yến lão, được xây dựng hoàn chỉnh vào thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hoà, năm Đinh Sửu – 1697. Đây là quần thể di tích đựơc nhân dân đóng góp tiền của xây dựng thờ Vua Hùng và những vị thành hoàng của làng gồm ba vị đại vương. Lễ hội làng Xốm, xã Hùng Lô đã có truyền thống lâu đời, mỗi năm có 2 lần tổ chức lễ hội là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12-9 âm lịch. Nhưng lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Rước kiệu dâng lễ vật vào Đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ đã trở thành tục lệ của làng cũng như người dân xã Hùng Lô.
Tục rước kiệu vào Đền Hùng đã có từ lâu đời. Từ sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, những năm 1958, 1959 làng đã tổ chức rước kiệu dâng lễ vật vào Đền Hùng. Nhưng sau đó, trong kháng chiến chống Mỹ thì bị gián đoạn, đến những năm 90 trở lại đây thì hầu như năm nào người dân xã Hùng Lô cũng tổ chức rước kiệu dâng lễ vật vào Đền Hùng. Rước kiệu của xã Hùng Lô dâng lễ vật vào Đền Hùng trong những ngày Giỗ Tổ 10-3 âm lịch bằng xôi, gà, bánh chưng, bánh dày và các đặc sản của địa phương được trưng bày trên 5 bộ kiệu. Đoàn rước kiệu được tổ chức rất trang nghiêm; huy động trên 200 trung nam là những người được dân trong xã lựa chọn, cắt cử mặc đồng phục thống nhất, nai nịt gọn gàng từ đầu đến chân, xếp làm hai hàng chia thành từng khối. Mỗi người mang theo vũ khí thời cổ xưa được phóng tác to, bằng gỗ như: Đại đao, lưỡi tầm sét, chùy đồng, phủ việt, chấp kích đinh ba – bát biểu, cờ, lọng, chiêng trống – đội sư tử, đội nhạc lễ bát âm, sinh tiền, cờ mở, trống dong, tiền hô hậu ủng, rung động xóm làng.
Chỉ huy đoàn rước là 2 cai cơ trang phục truyền thống, tay cầm cờ, loa, đi giữa hai hàng người rước để duy trì trật tự. Chủ tế – mệnh bái là một cụ già khoẻ mạnh, trang phục mũ áo, cân đai ngồi trên xe người kéo. Cuộc rước hành trình từ đình làng đến Đền Hùng. Sau khi đoàn rước lễ từ Đền Hùng trở về, sẽ tổ chức tế lễ tại đình làng, sau đó về nhà Yến lão thụ lễ. Đây là đoàn rước có truyền thống, trang nghiêm hiếm có vẫn được người dân xã Hùng Lô lưu giữ. Ở Hùng Lô còn giữ được nguyên vẹn 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng với những bộ đồ thờ quý hiếm và đầy đủ các trang bị cho tế, lễ, ruớc kiệu vào ngày 10-3 hàng năm. Năm Mậu Ngọ 1918, ngày lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, đoàn rước kiệu của làng Xốm xã An Lão (Hùng Lô ngày nay) được Nhà nước phong kiến khi ấy tặng một biển thưởng sơn son thiếp vàng chạm khắc 7 chữ nổi “Hùng Vương kỷ niệm đệ nhất hội”.
Có thể nói, nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô cùng với sự lưu giữ các loại đồ thờ cúng tại đình làng thể hiện thái độ trân trọng đối với lịch sử. Tập tục, nếp làng từ đời này qua đời khác vẫn được lưu giữ chính là giá trị văn hóa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Rước kiệu trong lễ hội Đền Hùng thực sự là một cách giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa của quê hương, đất nước, dân tộc cho mọi người một cách thiết thực.