Phú Thọ – mảnh đất linh thiêng lưu giữ biết bao lịch sử văn hóa dân tộc. Nơi đã sinh ra biết bao truyền thống nghệ thuật đặc sắc. Trong số đó hát xoan, loại dân ca tiêu biểu thể hiện được tư tưởng, lối sống của người dân Việt Nam nói chung và những người con đất Tổ nói riêng.
Hát Xoan là một di sản văn hoá phi vật thể quý giá của vùng Đất Tổ Vua Hùng. Các làn điệu hát Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan là tiếng hát cửa đình thể hiện những lễ tục diễn xướng tế thần linh và được tổ chức vào mùa xuân với ý nghĩa: Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt… đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân trăm họ.
Nguồn gốc của nó gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sinh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là Hát Xoan.
Từ đó điệu Hát Xoan (chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trại ra) được truyền rộng rãi trong dân chúng, nhất là nam nữ thanh niên trong vùng và được tổ chức thành phường hát. Hằng năm vào mùa xuân,các phường Xoan Phù Đức, Kim Đôi, An Thái, Thét thuộc Phù Ninh thường tổ chức hát ở cửa đình những ngày hội đám, hết hội đám lại chia nhau đi hát ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 10 đến 15 người. Y phục dân tộc hệt quan họ Bắc Ninh. Nam thì áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích.
Thông thường mỗi màn hát gồm ba giai đoạn. Mở đầu là màn hát và biểu diễn giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Phần hai và ba sẽ xuất hiện những bài hát gồm nhiều tiết mục múa hát miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thể hiện mong ước mưa thuận gió hòa, màu màng tốt tươi, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân trăm họ. Câu hát kết hợp với những điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển của những ả đào là nét đặc trưng của thể loại nhạc cổ này so với những loại nhạc khác cùng thời. Ngân vang kéo dài “a, ơi, à” cùng những câu hát tạo cảm giác nhẹ nhàng gần gũi mà vẫn không mất đi tính nghiêm trang của loại nhạc này. Nó được xem là thể loại nhạc mang đầy đủ tính chất của nền văn hóa cội nguồn và cổ xưa nhất.
Mùa xuân trên quê hương đất Tổ, không gì vui bằng đi xem Hát Xoan. Và Hát Xoan thì cứ tiếp tục hát từ đình này cho đến đình khác khiến cho không khí hội hè, vui xuân cứ kéo dài ra mãi.
Tham khảo thêm thông tin về du lịch, văn hóa, đặc sản Việt Nam tại https://dacsan.com bạn nhé!