Vườn Quốc gia Xuân Sơn cách Hà Nội 120km, cách thành phố Việt Trì 80km, phía Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Tây Bắc giáp tỉnh Sơn La. Nơi đây hội nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút du khách đến tham quan. Thế mạnh của Vườn Quốc gia Xuân Sơn là giá trị cảnh quan, giá trị sinh thái, đặc biệt là sự nguyên sơ của một vùng đất vốn chưa bị tác động nhiều từ bên ngoài.
Với tổng diện tích 15.048ha, vùng đệm 18.639ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.099ha, Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi 2.432ha. Theo thống kê ban đầu, Xuân Sơn có 726 loài thực vật bậc cao, hệ thực vật có các loài: re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như: táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc).
Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ Thế giới. Các loài đặc trưng cho hệ động vật Tây Bắc như: Voọc xám, vượn chó, cày bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo,… về chim có: gà lôi, gà tiền, đại bàng đất,… riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc.
Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động, sông suối như: suối Lấp, suối Thang và nhiều thác nước có độ cao trên 50m, che phủ hang, hốc đá, hoà quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Do quá trình phong hoá, thuỷ hoá tạo thành Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ.
Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân, buổi trưa ấm áp như mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se lạnh. Một khu thiên nhiên kỳ vĩ với tất cả vẻ hoang sơ của nó có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những ai lần đầu đến đây. Ngoài ra, ở nơi đây chè búp, chè tươi và chè hạt là những loại chè hảo hạng của vùng đất Phú Thọ.
Trải nghiệm đầu tiên hết sức thú vị đó là hành trình xuyên rừng tìm hiểu đa dạng sinh học, thám hiểm các hang động và đến với những bản làng của bà con dân tộc Dao, Mường nằm ẩn sâu giữa núi rừng.
Càng đi sâu vào rừng, càng thấy Xuân Sơn đẹp, cái nét đẹp tự nhiên, dung dị, hài hòa, ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học.
Điều đáng quý là Xuân Sơn còn giữ được rất nhiều cây cổ thụ, đúng như tên gọi “rừng già”. Chính những cánh rừng nguyên sinh trên núi đá vôi đã giúp Xuân Sơn tạo được nét đẹp riêng mà ít nơi nào có được. Và chắc hẳn ai đã từng đến mảnh đất này cũng đều muốn quay trở lại đôi lần.
Và khi màn đêm bao trùm khắp các bản làng, hòa mình trong không khí vui tươi của đêm giao lưu văn nghệ với bà con nơi đây, họ nắm tay nhau nhảy múa trong ánh lửa trại bập bùng và cùng cất vang những bài ca về núi rừng, ca ngợi thiên nhiên, dù nhiều người còn chưa nhớ hết tên bạn của mình.